XE MÁY VÀ CON NGƯỜI

CHUYỆN XĂNG – DẦU XE MÁY VÀ CON NGƯỜI

Khi bạn đi xe máy, có bao giờ bạn tự hỏi rằng:

  1.  Đi bao lâu thì xe phải thay dầu? Tại sao cần thay dầu?
  2. Đi bao lâu thì xe phải đổ xăng? Tại sao cần phải đổ xăng?

Câu số 1 thì còn khó với một số người, chứ câu số 2 thì 99,9% là có câu trả lời rồi.

Hãy tưởng tượng bạn đang ở tiệm xăng quen thuộc, bạn nhìn chị nhân viên bán xăng đang bịt khẩu trang kín mít, bạn nói một câu: “Chị ơi, cho em đầy bình với ạ”. Thanh toán tiền xong, bạn cười sung sướng khi xăng đã đầy. Bạn leo lên xe phóng vèo vèo, hoà mình vào con đường đầy xe cộ. Đó là cảnh mà quá dễ để bạn hình dung trong trí nhớ của mình.

Hôm trước tôi về quê, bố đi làm về muộn hơn mọi khi. Tôi tưởng bố bận việc gì đó. Ôi! Hoá ra là xe máy của bố hết xăng, phải dắt hơn 1,5km mới đến chỗ mua xăng. Bố thở dài: “Chán thế, hôm nay đi vội không để ý gì cả. Hết “bố nó” xăng mới chán chứ!”. Rồi bố cũng lại cười: “Cũng tốt. Hôm nay đỡ phải leo lên máy tập thể dục”. Tôi nhìn thấy quần áo bố thấm đẫm mồ hôi, thấy vậy mà thương lắm.

Ai đi xe mà bị hết xăng giữa đường giống như bố tôi, chắc là ức chế lắm. Nhất là giữa đường cao tốc mà hết xăng nữa thì “đen” thôi rồi. Nhưng cũng hiếm khi thấy ai đó đi xe mà hết xăng lắm, trừ khi thiết bị báo xăng bị hỏng.

Vậy còn dầu thì sao? Có khi nào bạn kiểm tra xem tình trạng dầu nhớt thế nào? Hay là đến khi nào ông thợ sửa xe bảo: “Dầu xe anh bẩn rồi, thay thôi kẻo hỏng máy anh ơi!”. Chẳng cần nhìn, thợ bảo thay thì thay thôi.

Tôi nhớ hồi mới mua xe máy, đi 1000km đầu tiên là phải thay dầu máy. Xe mới, nhìn đồng hồ đo số kilomet chạy là biết ngay đến ngày nào cần thay. Đi khoảng 2000km sau mới đổ lần tiếp theo. Cứ thế mà tính. Nghe đâu xe cũ thì cứ 1500km là thay một lần.

Nói thì dễ chứ bây giờ xe của tôi đã đi được vài chục ngàn kilomet rồi, còn chẳng bận nhìn đồng hồ công-tơ-mét nữa. Ai mà nhớ được để mà đi thay. Lại còn xe tay ga của vợ nữa chứ. Còn có một loại dầu khác là dầu láp (dầu hộp số), hình như cứ ba lần thay dầu máy thì một lần thay dầu láp. Thật sự chẳng quan tâm luôn. Cứ ông thợ bảo thay thì thay.

Hôm trước tôi đi rửa xe, tiện thể cũng thay luôn dầu máy. Tôi giả vờ ngu, hỏi ông thợ: “Anh ơi! Tại sao phải thay dầu máy thế ạ?”. Ông thợ cười khà khà (kiểu sao có thằng hỏi ngu thế), rồi nói: “Dầu đen bẩn thế này, không thay thì hỏng máy à!”. Tôi lại giả ngu, hỏi tiếp: “Tại sao lại đen bẩn thế ạ?”. Ông thợ có vẻ cáu, làm câu ngắn gọn: “Do ma sát, mạt sắt được tạo ra. Làm bẩn dầu. Hiểu chưa?”. Tôi gật gù, ra vẻ đã hiểu: “À! Ra thế!”. Ông thợ sau khi tháo dầu máy ra, chỉ vào cái chậu đựng: “Ra đây mà nhìn này, đã thấy bẩn chưa?”. Tôi ra ngắm nghía thì đúng là đen ngòm thật. Định bảo ông ấy: “Dầu nào mà chẳng đen ạ!”, nhưng lại thôi, sợ ông ấy cáu tiếp. Sau đó tôi thấy ông ấy cầm vòi hơi tăng áp, xì vào nơi chứa dầu xe máy cho ra hết chút dầu cũ còn sót lại. Ông ấy lại hỏi: “Xe chú thay loại tốt hay loại bình thường?”. Tôi đáp ngay: “Giá tiền hai loại thế nào anh?”. Ông ấy nói: “Loại tốt thì X ngàn, loại thường thì Y ngàn, chênh nhau không mấy đâu!”. Tôi mỉm cười: “Dạ, anh thay loại tốt cho em nhé!”. Thật ra lần nào tôi cũng bị mấy bác thợ hỏi câu này, và câu trả lời của tôi bấy lâu vẫn thế.

Mỗi khi rửa xe và thay dầu xong, chắc bạn cũng có cảm nhận như tôi. Ngồi lên xe nổ máy, khoan khoái khó tả, máy nổ êm hơn hay sao ấy, cảm giác “phê” thật là “phê”.

Vậy cái chuyện Xăng – Dầu xe máy ở đây ta học được bài học gì?

Tôi thấy xe máy cũng có nhiều thứ giống với cơ thể con người:

  • Xe máy ăn xăng để chạy (nếu là xe máy điện thì ăn điện) thì con người cũng phải ăn (đủ thứ) để mà sống.
  • Xe máy có đồng hồ báo hết xăng, con người có đủ thứ tín hiệu báo đói, cái bụng kêu “ọc ọc”, nước miếng chảy khi nhìn thấy hoặc ngửi thấy mùi thơm món ngon,…
  • Xe máy cần oxi để đốt cháy xăng, con người cũng cần oxi để hoạt động trao đổi chất diễn ra bình thường.
  • Khi dầu bị bẩn, xe sẽ nóng máy, khói xe có màu và mùi lạ. Khi cơ thể người nhiễm vi trùng, cơ thể bị sốt và ốm.
  • Xe máy cần được bảo dưỡng định kỳ, để phát hiện sớm bệnh của xe. Con người cũng thế, phát hiện sớm, chữa kịp thời. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – Câu này chưa bao giờ lạc hậu.
  • Xe máy có bảo hiểm bắt buộc, con người cũng có bảo hiểm bắt buộc (đối với ai đang đi học hoặc đi làm).

Tuy nhiên, cũng có nhiều thứ xe máy khác với con người:

  • Xe máy bằng thép, bằng nhựa, … rất bền. Chịu được va đập, nắng mưa tốt. Cơ thể người thì bằng xương, bằng thịt,… không được bền cho lắm. Ai đã từng bị “xoè xe”, hay vào bệnh viện cấp cứu vì tai nạn thì hiểu rõ điều này.
  • Người ta tạo ra xe máy từ việc lắp nhiều linh kiện lại với nhau. Xe máy hỏng bộ phận nào, thì đa phần có thể thay bộ phận đó được. Cơ thể người thì khác, sau 9 tháng 10 ngày, một cơ thể hoàn chỉnh được hình thành. Mọi bộ phận đều liên quan chặt chẽ với nhau. Thay bộ phận nào cũng đều ảnh hưởng đến sức khoẻ cả.
  • Giá trị của xe máy có thể quy ra được bằng tiền, còn giá trị của con người thì … vô giá.
  • Khi xe có vấn đề, hỏng hóc, chắc chắn phải mang ra tiệm sửa xe. Nó không thể tự sửa chữa được. Cơ thể con người thì khác, chỉ cần nghỉ ngơi, ăn ngủ, tập luyện hợp lý. Cơ thể sẽ tự phục hồi. Mà thế nào là hợp lý, tự mỗi người sẽ phải quan sát, lắng nghe cơ thể mình thôi.
  • Khi hai xe máy “yêu” nhau, chúng khó có thể về chung một chủ, ở chung một nhà. Khi hai người yêu nhau, khả năng cao hai xe sẽ về chung một nhà. Thậm chí, hai người sẽ cưỡi chung một xe luôn.

     Tóm lại, nói chuyện Xăng – Dầu xe máy, tôi cũng muốn liên kết một chút đến chuyện “Xăng – Dầu” của con người. Người xưa có câu: “Của bền tại người”. Không chỉ đúng với xe máy, mà cũng đúng cả với cơ thể người. Dùng hao qúa mà không bảo dưỡng sẽ hỏng hóc, sinh bệnh. Xe máy mà hỏng nặng thì cho nó ra bãi rác, mua được xe mới về dùng. Chứ người mà “hỏng nặng”, không mang ra bãi rác được, mà là bãi XYZ – chẳng ai muốn nhắc đến tên của nó. Mình không yêu lấy cái “máy móc” của mình, thì chẳng ai yêu nổi nó đâu.

Chúc bạn luôn “xăng – dầu” đầy đủ, “máy móc” mấy chục năm vẫn chạy tốt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Fill out this field
Fill out this field
Please enter a valid email address.
You need to agree with the terms to proceed

Tôi vốn là một học trò nhút nhát, ngại giao tiếp với bạn bè. Những năm học cấp 1 và cấp 2 tôi luôn xếp ở vị trí thấp trong lớp. Tôi luôn tự ti với bản thân mình, ít bạn bè. Những năm tháng cấp 3, tôi có học khá hơn và thi đỗ Đại Học. 5 năm học Đại Học tôi cầm trên tay chiếc bằng Khá của ngành Kỹ Sư Môi Trường Nước. Tôi đi làm ở một công ty Nhà Nước. Năm 2010, tôi nhớ về ước mơ được đứng trên bục giảng của mình. Tôi đặt mục tiêu trở thành Thầy Giáo, đó là một bước ngoặt lớn thay đổi sự nghiệp của tôi. Năm 2014, tôi hoàn thành khóa Nghiệp Vụ Sư Phạm của ĐH Sư Phạm Hà Nội, để chính thức trở thành một Người Thầy truyền cảm hứng.

Menu