Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhiều thần đồng lại sớm nở chóng tàn và mãi chẳng trở thành nhân tài?
Trong đại dịch Covid-19, tại sao có những học sinh thì thích nghi được việc học online, có những học sinh thì “kêu trời, kêu đất” về sự nhàm chán khi phải học online?
Vậy làm thế nào để giúp mỗi học sinh phát huy được những năng lực nội tại của mình, tự chủ trong học tập và cuộc sống?
Bài viết này chúng ta cùng nhau đi tìm giải pháp.
Đầu những năm 2000, Tiến sĩ Carol Dweck, Giáo sư Tâm lý học, Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã tiến nghiên cứu là gần 400 học sinh lớp 6 lên lớp 7. Carol cùng các cộng sự đã theo dõi kết quả học tập trong suốt 2 năm liên tục của các em. Mặc dù có chung điều kiện học tập cũng như những thách thức của môi trường đòi hỏi ngày càng cao, kết quả học tập của các em phân hóa thành 2 nhóm rõ rệt, và ngày càng chênh lệch. Dù có kết quả học tập xấp xỉ bằng nhau đầu lớp 7 thì cuối năm lớp 8, dù 2 nhóm này đã chênh lệch xấp cỉ 10% điểm số.
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt này? Đó là cách các bạn học sinh tư duy về việc học.
Qua khảo sát, Carol nhận thấy có 2 kiểu tư duy về việc học tập, về trí thông minh, năng lực của các bạn học sinh mà bà gọi là Tư duy Phát triển (Growth Mindset) và Tư duy Cố định (Fixed Mindset)
Đầu tiên, những bạn học sinh với Tư duy Cố định tin rằng sự thông minh và năng lực học tập từng môn học là thiên bẩm. Vì vậy, mình sẽ luôn ”giỏi” hoặc“kém” trong một lĩnh vực nhất định và mặc dù có thể mình sẽ học nhiều thứ trong cuộc sống thì trí thông minh là bẩm sinh, không thể thay đổi. Những bạn này sẽ luôn tin có nềm tin kiểu như “Mình được 10 điểm Toán là vì mình vốn giỏi các môn Tự nhiên mà!” hoặc “Những môn học thuộc như Văn, Sử, Giáo dục công dân luôn làm mình mất điểm, mình vốn kém những môn này.” Do đó họ sẽ không muốn thử những điều mới mẻ, những thứ khiến họ có thể “bị sai”, “bị thất bại” và đặc biệt bị coi là “dốt”.
Trong khi đó những bạn có Tư duy Phát triển lại có niềm tin rằng trí thông minh có thể được nuôi dưỡng và phát triển bằng việc kiên trì rèn luyện, nỗ lực học hỏi không ngừng và có sự dìu dắt. Họ không bao giờ nghĩ ai cũng giống nhau hay ai cũng sẽ thành Giáo sư Ngô Bảo Châu nhưng họ hiểu rằng Giáo sư sẽ không thể trở nên như vậy nếu không bền bỉ nỗ lực học hỏi liên tục nhiều năm liền. Trí thông minh và năng lực của mỗi người không phải là một đại lượng bất biến mà giống như một cái cây, có thể phát triển và nảy nở qua quá trình học hỏi và nỗ lực rèn luyện.
Đọc tới đây hẳn bạn đã đoán ra đâu là nhóm học sinh sẽ có kết quả ngày một tốt lên còn đâu là nhóm sẽ đi theo chiều ngược lại.
Để phân biệt Tư duy Cố định và Tư duy Phát triển chúng ta hãy cùng quan sát kỹ hơn.
Thứ hai, quan niệm về sự nỗ lực.
Đã bao giờ bạn được nghe rằng “Học mà vất vả thế chứng tỏ chưa đủ giỏi!” hay “Học nhàn, điểm cao mới là đỉnh!”? Tư duy Cố định tin rằng nỗ lực, cố gắng không phải là điều tốt, nếu còn phải làm như vậy chứng tỏ bạn không có khả năng trong lĩnh vực đó. Giống như loài thỏ sinh ra là phải chạy nhanh còn rùa và sên là chúa chậm chạp từ trong gien. Đó chính là một trong những niềm tin nguy hiểm nhất vẫn đang được truyền tai nhau. Đây chính là lí do khiến những thần đồng chẳng bao giờ chịu lớn và trở thành nhân tài. Họ sớm bộc lộ những thế mạnh bẩm sinh cũng như gặt hái được những thành công và bắt đầu tin rằng “Giỏi, khỏi phải cố! Mà cố chứng tỏ không siêu!”. Và trong khi bản thân mắc kẹt với niềm tin đó, những bạn bè đồng trang lứa vẫn kiên gan rèn luyện và chinh phục những đỉnh cao. Khi muốn quay trở lại, bị bỏ cách quá xa, họ lại bắt đầu tin rằng, tài năng của mình chỉ tới đó và bỏ cuộc.
Tư duy Phát triển đã chứng minh rằng chính sự nỗ lực rèn luyện, kiên trì, bền bỉ đã kích hoạt trí thông minh cũng như những năng lực tiềm ẩm trong mỗi chúng ta. “Càng nỗ lực, tôi càng thông minh!” “Càng bền bỉ, tôi càng thành thục và điêu luyện!” đó chính là niềm tin của những học sinh có tư duy phát triển. Những nghiên cứu mới nhất về não bộ con người cũng chỉ ra rằng, trí thông minh hay năng lực của mỗi chúng ta được quyết định bởi những liên kết nơ-ron thần kinh, và những liên kết này được hình thành, củng cố và phát triển thông qua sự nỗ lực rèn luyện. Điều này lí giải, nhiều thần đồng mất đi cả phong độ lẫn đẳng cấp của mình do coi thường sự nỗ lực rèn luyện.
Thứ ba, thái độ đối với sai lầm và thất bại.
Đối với những học sinh có Tư duy Cố định, sai lầm và thất bại thật đáng xấu hổ, nó bóc mẽ điểm yếu và nó là một thước đo năng lực của bản thân. Do đó, họ né tránh thất bại và đổ lỗi khi mắc sai lầm. Mỗi khi gặp khó khăn, họ dễ dàng né tránh, chán nản, bỏ cuộc hoặc thể hiện rằng môn đó “nhàm chán” chỉ để che giấu nỗi sợ phải thử dù chỉ một lần đối diện với nó.
Trong khi đó, Tư duy Phát triển khiến học sinh tin rằng “Không có thất bại, chỉ có BÀI HỌC KINH NGHIỆM” hay “Thất bại là một phần tất yếu của quá trình học hỏi” và “Khi đón nhận thử thách, sai lầm hay thất bại luôn có thể xảy ra”.
Thứ tư, là việc đối diện những việc khó khăn và thử thách.
Đối với những học sinh có Tư duy Cố định, thấy việc khó là né tránh. Ví dụ như bài tập khó thì sẽ bỏ qua, bài dễ mới làm. Hoặc những học sinh đó sẽ tìm cách để có được lời giảm mà không tốn công suy nghĩ, như là tìm lời giải qua internet hay những nguồn khác. Khi làm việc với những thiết bị mới, dụng cụ mới, đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ và lắng nghe sự hướng dẫn của thầy cô hay bạn bè. Những học sinh có Tư duy Cố định sẽ dễ bỏ cuộc.
Còn với những học sinh có Tư duy Phát triển, việc chinh phục những bài tập khó, những thử thách đòi hỏi tốn nhiều công sức, các bạn ấy sẵn sàng đối mặt. Cố gắng tìm ra giải pháp, kể cả việc phải nhờ thầy cô hay những người xung quanh để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Qua mỗi nhiệm vụ khó đó, những học sinh này càng bản lĩnh hơn, tự tin hơn về năng lực giải quyết vấn đề của mình. “Cái khó mới ló cái khôn” là như thế.
Như vậy, bạn có thể thấy tư duy kiểu nào hoàn toàn là lựa chọn của bạn. Và mỗi lựa chọn lại mang tới kết quả khác nhau.
Đối với các bậc phụ huynh, chúng ta hãy cùng bàn xem, bằng cách nào con có thể sở hữu Tư duy Cố định hoặc Tư duy Phát triển. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, hãy xem đây là cơ hội để mình thực hành Tư duy Phát triển. Từ đó, là tấm gương cho các con noi theo.
Dưới đây là một vài gợi ý để các bậc phụ huynh tham khảo:
Một người thầy tâm lý của tôi đã nói: “Các con có thể thất bại trong việc nghe những gì người lớn khuyên, nhưng chưa bao giờ thất bại trong việc làm theo những gì người lớn làm”. Tôi rất thích câu nói này.
Vậy bạn lựa chọn sẽ làm gì hôm nay?
Chúc mọi người luôn có Tư duy Phát triển.